1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thực trạng qui hoạch, sử dụng đất: Yếu kém và lãng phí!

(Dân trí) - Trong số 12 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích gần 2000ha tỉ lệ sử dụng chưa đạt 50%. Thậm chí có khu công nghiệp thành lập cả chục năm nay nhưng diện tích lấp đầy chỉ đạt chưa đến…3% như khu công nghiệp Daewoo Hanel của Hà Nội.

Con số đáng giật mình này được Bộ trưởng Mai Ái Trực đưa ra trong phiên họp thường vụ Quốc hội sáng nay, 3/5.

 

Tình hình phối hợp giữa các bộ ngành trong qui hoạch sử dụng đất đai hiện nay hết sức kém và đáng báo động, ông Nguyễn Ngọc Trân - Phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Quốc hội khẳng định như vậy và lấy ví dụ từ việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên tại tỉnh Cà Mau: “Nói rừng đang phát triển là không chính xác. Tôi đi Cà Mau và thấy tình hình thực tế là diện tích rừng đang giảm đi rất nhiều. Nhìn từ bên ngoài thì bìa rừng là như vậy nhưng bên trong đã rỗng. Cả ảnh vệ tinh lẫn thực địa đều cho thấy rõ điều đó”.

 

Để xảy ra tình trạng này, ông Trân chỉ ra một nguyên nhân quan trọng là sự phối hợp quản lý giữa các ngành còn rất kém, trên một mảnh đất mà có tới 3 bộ cùng quản lý (Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Thủy sản), trong khi đó, trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành không rõ ràng khiến đất đai rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ông đề nghị công khai, minh bạch công tác quy hoạch, để các nhà khoa học có thể tham gia.

 

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH thì lo lắng cho rằng, cứ với cung cách qui hoạch như hiện nay, không hiểu 10-20 năm nữa con cháu chúng ta sẽ sống như thế nào. Bà nêu ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bát nháo” trong qui hoạch, sử dụng đất đai hiện nay: “Cái chính là chúng ta làm chưa nghiêm, những người làm sai chẳng thấy ai làm sao cả”.

 

Cũng từ việc làm chưa nghiêm mà tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu khoa học khiến tình hình sử dụng đất đai rất lãng phí, chỗ thừa, chỗ thiếu. Chủ tịch hội đồng dân tộc Quốc hội Tráng A Pao đặt câu hỏi: “Liệu nước ta có cần chỗ nào cũng có khu công nghiệp như thế không?” khi mà hầu như tỉnh nào, địa phương nào cũng có khu công nghiệp. Và ông “gọi tên” cái kiểu qui hoạch dàn trải này là “mang nặng tính cục bộ địa phương”.

 

Sự bất cập trong việc qui hoạch các khu công nghiệp hiện nay cũng được thể hiện rõ trong “Báo cáo tình hình qui hoạch, sử dụng đất đai” của Chính phủ do Bộ trưởng Mai Ái Trực trình bày. Theo báo cáo, trong lúc nông dân tại một số địa phương còn thiếu hoặc không có đất sản xuất thì một lượng không nhỏ diện tích đất nông nghiệp chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất hiệu quả sử dụng lại rất thấp, thậm chí không sử dụng trong nhiều năm liền.

 

Nước ta hiện có 12 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích gần 2000ha nhưng tỉ lệ sử dụng chưa đạt mức 50%. Thậm chí có khu công nghiệp thành lập cả chục năm nay nhưng diện tích lấp đầy chỉ đạt chưa đến…3% (khu công nghiệp Daewoo Hanel của Hà Nội).

 

Bà Nguyễn Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm ủy ban văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng thì bức xúc trước thực trạng quĩ đất dành cho xây dựng các khu đô thị, chung cư cao tầng ở thành phố nào cũng có nhưng quĩ đất dành cho xây dựng các trường học thì không thấy đâu. “Chúng ta cứ kêu ca về tình hình giáo dục không phát triển nhưng rõ ràng vẫn còn tâm lý coi nhẹ việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục, điều này có thể thấy rõ trong lĩnh vực đầu tư đất đai”, bà ta thán.

 

Nhận xét về phần báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: “Bộ trưởng (Mai Ái Trực) nói qui hoạch chưa cao, cần chấn chỉnh nhưng trong báo cáo mới chỉ thấy nhiều số liệu, chứ  phần những việc cần làm tiếp thì chưa rõ ràng”.

 

Đức Hòa