Việt Nam đề nghị Mỹ bổ sung 200 triệu USD để xử lý dioxin tại các sân bay

Hà Mỹ

(Dân trí) - Tại cuộc gặp với Đại sứ Marc Knapper, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị phía Mỹ bổ sung 200 triệu USD để xử lý dứt điểm dioxin tại sân bay Biên Hòa, hỗ trợ xử lý dioxin tại sân bay Phù Cát.

Ngày 16/4, Lễ trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) lần thứ 164 diễn ra tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Tại đây, đại diện phía Việt Nam đã bàn giao cho đại diện phía Mỹ hai bộ hài cốt, là kết quả của đợt tìm kiếm chung giữa các cơ quan Việt Nam và Mỹ lần thứ 154 kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4.

Hài cốt trên đã được các chuyên gia pháp y giám định tại Đà Nẵng và kết luận có thể liên quan tới quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Việt Nam đề nghị Mỹ bổ sung 200 triệu USD để xử lý dioxin tại các sân bay - 1

Lễ trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam diễn ra ngày 16/4 (Ảnh: Bộ Ngoại giao).

Nhân dịp này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper.

Hai bên đánh giá cao ý nghĩa của buổi lễ đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao nỗ lực của Mỹ trong việc tăng cường hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc quyết định nâng ngân sách cho dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa lên 300 triệu USD.

Hoạt động phối hợp nhân đạo tìm kiếm và kiểm kê quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam được tiến hành từ cuối những năm 1980 giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ, đến nay đã giúp nhận dạng hơn 720 trường hợp quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Phía Mỹ cũng đã hỗ trợ người khuyết tật tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin, rà phá bom mìn, hợp tác tìm kiếm bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh.

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến đề nghị phía Mỹ tăng cường hỗ trợ hơn nữa các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là cần bổ sung 200 triệu USD để xử lý dứt điểm dioxin tại sân bay Biên Hòa, hỗ trợ xử lý dioxin tại sân bay Phù Cát. 

Đồng thời, phía Mỹ tăng cường cung cấp thông tin tìm kiếm bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh và đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ nâng cao năng lực định danh hài cốt liệt sĩ Việt Nam…

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cũng đề nghị hai bên phối hợp xây dựng và sớm ký Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào tháng 12 năm nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trân trọng mời quan chức cấp cao quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam, tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ hai diễn ra cuối năm.

Việt Nam đề nghị Mỹ bổ sung 200 triệu USD để xử lý dioxin tại các sân bay - 2

Các đại biểu tham dự buổi lễ ngày 16/4 (Ảnh: Bộ Ngoại giao).

Bày tỏ vinh dự được cùng Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tham dự buổi lễ, Đại sứ Marc Knapper thay mặt gia đình các quân nhân Mỹ cảm ơn nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích (MIA) trong chiến tranh hơn 50 năm qua. 

Việc này góp phần hàn gắn, xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ đạt được tầm mức như hiện nay.

Phía Mỹ cũng đặc biệt trân trọng nỗ lực tìm kiếm đơn phương của Việt Nam thời gian qua tại các khu vực hiểm trở, khó tiếp cận, đạt hiệu quả cao, điển hình là kết quả đạt được tại tỉnh Vĩnh Phúc trong đợt hoạt động tìm kiếm lần thứ 154 vừa qua.

Đại sứ Marc Knapper khẳng định Chính phủ Mỹ cam kết ở mức cao nhất hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là xử lý dứt điểm ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và chuyển giao công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

Nhân dịp này, Đại sứ Marc Knapper bày tỏ mong muốn phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 30 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ (1995-2025), 50 năm kết thúc chiến tranh tại Việt Nam (1975-2025) và 80 năm tiếp xúc đầu tiên giữa lực lượng Việt Minh và phía Mỹ (1945-2025).