1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Ban Chỉ đạo TƯ về chống tham nhũng:

Vừa “mở hàng” đã ngập đơn thư khiếu nại

Dù mới đang trong giai đoạn tổ chức bộ máy nhưng Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng đã ngập đơn thư khiếu kiện. Trong ý nghĩ của người dân, việc gì nơi khác không làm được thì ắt nơi này giải quyết xong.

Kể từ khi chính thức treo biển (ngày 4/10/2006), đến nay, Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về chống tham nhũng vẫn đang trong quá trình tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế hoạt động. Dự kiến đơn vị cấp bộ này được tổ chức thành 7 vụ chức năng với nhân sự khoảng 100 người, nhưng tại thời điểm này, tổng quân số từ nhân viên bảo vệ đến Chánh văn phòng vừa được Thủ tướng bổ nhiệm mới có… 7 người.

 

Nguy cơ chệch hướng

 

Các cán bộ ở đây đang có nguy cơ quá tải công việc. Từ 2 tháng nay, cứ vào ngày lẻ thứ Ba, thứ Năm, cả trăm người dân từ khắp miền đất nước tập trung trước trụ sở văn phòng với lỉnh kỉnh túi vải, cặp đựng đơn, tài liệu khiếu kiện, tố cáo…

 

Gọi là gửi đơn cho cơ quan phòng chống tham nhũng nhưng thực tế nội dung lại rất đa dạng, từ tranh chấp đất đai, khiếu nại tố cáo đến kêu oan trong xét xử hình sự, dân sự… Ông Nguyễn Đắc Hưng, người tạm thời phụ trách tiếp dân cho biết, đọc chín lá đơn mới thấy một là thông tin trực tiếp vào dấu hiệu tham nhũng. “Cứ thế này thì chệch hướng mất!” - ông Hưng lo ngại.

 

Theo Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thì nhiệm vụ chính của Ban là chỉ đạo, đôn đốc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, tham mưu, đề xuất để hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng… Với các vụ việc cụ thể, Ban chỉ yêu cầu cơ quan pháp luật kiểm tra, xử lý. Chỉ những vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, Ban mới chủ trì chỉ đạo xử lý.

 

Với cơ chế đó, Văn phòng chỉ là cơ quan hoạt động chuyên trách, giúp Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và chỉ có thể tập trung vào các vấn đề liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh với tham nhũng.

 

Còn như bây giờ, cứ chạy theo đơn thư của dân gửi tới thì có thể Văn phòng sẽ bị biến thành một trụ sở tiếp dân của trung ương và của Hà Nội, trở thành nơi chuyển đơn thư của người khiếu kiện cho các cơ quan chức năng.

 

Khiếu tố vượt cấp: Khuyết điểm của địa phương

 

Ngay cả những người đã được cán bộ tiếp dân giải thích cũng vẫn nài ép Văn phòng nhận đơn từ của mình. Anh Nguyễn Hữu Thực, quê Hà Tây, có tranh chấp mua bán nhà đất do người bán đã nhận tiền nhưng chây ỳ không chịu giao nhà, phân bua: “Tôi khiếu nại lên xã, lên huyện, rồi cả tỉnh từ 3 năm nay. Báo chí đã có bài phản ánh mà không ai giải quyết cho. Tôi biết trông chờ vào đâu nữa!?” Vừa nói anh vừa chìa công văn của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ghi là lần thứ 31 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây.

 

Theo ông Nguyễn Đắc Hưng, đơn thư nhận của bà con đều được phân nhóm theo địa phương. Cho đến nay đã thống kê được hơn 50 tỉnh, thành trong cả nước có nguồn đơn khiếu tố gửi tới Văn phòng. Kết quả khả quan bước đầu là đã lọc được một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề mà cán bộ tiếp dân, nghiên cứu đơn từ băn khoăn nhất là việc giải quyết khiếu tố ở địa phương quá kém, bà con mất niềm tin, phải vượt cấp lên trung ương.

 

Theo Pháp Luật TPHCM