Gia Lai:

Thu tiền bán "nốt" ở chợ tự phát tiềm ẩn hiểm hoạ giao thông khôn lường

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Khu chợ tự phát xã Ia Krai (huyện Ia Grai, Gia Lai) đã tồn tại trái phép nhiều năm nay. Đặc biệt, hộ buôn bán bên vỉa hè phải đóng một khoản tiền để thuê mặt bằng trái phép.

Kinh hãi… chợ tự phát

Tuyến tỉnh lộ 664 có điểm đầu từ TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai chạy dài hàng chục kilômét đến xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) và nối với đường QL 14C. Đây là tuyến đường quan trọng nối huyện Ia Hdrai (tỉnh Kon Tum) với tỉnh Gia Lai. Trên tuyến này luôn có các xe khách đường dài và xe chở nông sản, khoáng sản…thường xuyên lưu thông.

Cận cảnh sự nguy hiểm ở chợ tự phát

Tuy nhiên, trên tuyến đường tỉnh lộ 644 lại xuất hiện nhiều chợ tự phát bên đường. Hàng ngày, lượng người mua, bán tại các chợ tự phát này khiến tuyến đường bị ùn tắc. Người bán tràn ra lòng đường để bán các loại hàng hóa, nông sản. Người mua cũng dừng bên lòng đường để đứng mua thức ăn hoặc trò chuyện…Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường mở quán, làm nơi tụ họp buôn bán chợ tại nhiều điểm dân cư đang có chiều hướng gia tăng. Theo ghi nhận, chạy dọc tuyến 664 đoạn từ Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai đến Thôn 1 xã Ia Krai với khoảng cách 30Km nhưng có đến 3 chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm nơi tụ tập buôn bán.

Thu tiền bán nốt ở chợ tự phát tiềm ẩn hiểm hoạ giao thông khôn lường - 1
Mặc cho xe khách, xe tải lưu thông, dòng người vẫn đổ ra lòng đường thuộc tuyến tỉnh lộ 644 để buôn bán

Có mặt tại một chợ tự phát ngay trước cổng Công ty Cà Phê 705 (đoạn qua Thôn 1, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) là một khu chợ tự phát đã tồn tại tự lâu. Mặc cho xe tải, xe container, xe khách chạy tốc độ cao, kéo còi inh tai, nhiều người vẫn vô tư mua bán, không lo sợ những nguy hiểm đang rình rập. Thậm chí, người mua còn vô tư “băng” trước mặt xe lớn để di chuyển đến các gian hàng yêu thích.

Cứ vào khung giờ buổi sáng từ 5h – 9h, buổi chiều từ khoảng 16h-18h hàng ngày, tình hình buôn bán diễn ra rất lộn xộn. Các phương tiện khi đi qua tuyến này phải quan sát kĩ, “bò chậm” và hú còi liên tục để cảnh báo người dân. Vào buổi sáng, vì lượng người tại chợ tự phát quá đông cũng khiến cho tình trạng kẹt xe diễn ra liên tục.

Thu tiền bán nốt ở chợ tự phát tiềm ẩn hiểm hoạ giao thông khôn lường - 2
Bất chấp nguy hiểm, "người mua, kẻ bán" lưu thông ngổn ngang trên đường

Theo một tài xế xe tải cho hay, tôi thường xuyên nhận chở hàng lâm sản ở trong khu vực xã Ia O. Mỗi lần qua đây như một cực hình, họ chiếm hết lòng lề đường khiến cho phương tiện lưu thông rất khó khăn. Nhất là những lúc gặp trời mưa, người vội mua, kể dọn hàng, xe cộ chạy lộn xộn không biết chạy đường nào.

“Họ không nghĩ đến nguy hiểm tính mạng của họ thì cũng làm khổ cánh tài xế chúng tôi….Chợ tự phát này nếu không dẹp sớm và xử lý nghiêm buôn bán thì rất nguy hiểm. Xe ben, xe container chạy rầm rầm ngay sát bên với vận tốc cao, chỉ cần một xe mất thắng, tài xế tay lái yếu nếu lao vào đây hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc…”, tài xế than thở.

Thu phí hành lang giao thông… để cho chợ tự phát hoạt động

Khu chợ tự phát trên được người dân tận dụng hành lang giao thông, vỉa hè, mặt tiền của nhà để làm nơi kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt, ngay trước cổng của Công ty Cà Phê 705 cũng được người dân dựng nhà tạm, sạp…để làm nơi kinh doanh. Theo tìm hiểu của phóng viên, người buôn, bán phải bỏ ra số tiền không nhỏ (ít nhất là 500 ngàn nhiều nhất lên đến cả 1 triệu đồng/ tháng) để thuê mặt bằng của các hộ dân có mặt tiền và công ty Cà Phê 705 này làm nơi kinh doanh trái phép.

Thu tiền bán nốt ở chợ tự phát tiềm ẩn hiểm hoạ giao thông khôn lường - 3
Nhiều sạp, ô dù dựng ngay bên mặt đường tỉnh lộ để kinh doanh

Theo một hộ buôn bán lâu năm cho biết, để có được khoảng 2m2 vỉa hè để làm sạp nhằm buôn bán hoa quả, vợ chồng bà phải bỏ ra 700 ngàn đồng/mỗi tháng đóng cho chủ nhà. Diện tích đứng và mặt hàng kinh doanh sẽ quyết định đến số tiền đóng trong tháng. Nếu ai thỏa thuận thuê mặt tiền của các nhà trên mặt đường thì đóng tiền cho chủ nhà. Còn nếu đứng trước cổng công ty Cà phê 705 thì đóng cho một đại diện của công ty.

“Bên công ty Cà Phê 705 họ láng xi măng dưới vỉa hè rồi cho thuê mỗi người 500 ngàn đồng/tháng khoảng 2m2. Biết là họ lấn chiếm vỉa hè rồi cho mình thuê, nhưng do cuộc sống khó khăn, cần việc làm nên đành phải dành một khoản để đóng cho bên thu”, một hộ buôn bán cho biết.

Thu tiền bán nốt ở chợ tự phát tiềm ẩn hiểm hoạ giao thông khôn lường - 4
Mặc dù chợ hoạt động ngay bên vỉa hè nhưng không thấy lực lượng xã, huyện đến xử lý

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Hợp (Trưởng Phòng TC – KH, Công ty Cà Phê 705) cho biết: “Tình trạng tụ tập buôn bán trước cổng công ty đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết triệt để. Công ty cũng mong muốn xóa chợ này và đã kiến nghị với chính quyền nhiều lần”.

Thu tiền bán nốt ở chợ tự phát tiềm ẩn hiểm hoạ giao thông khôn lường - 5
Lập chợ ngay trước cổng của công ty để kinh doanh, buôn bán.

“Nhằm đảm bảo an ninh và vệ sinh trước cổng cơ quan, công ty đã giao cho bên công đoàn phụ trách. Lúc này, anh Khiển bên công đoàn của công ty đã đề xuất việc thu phí các hộ dân kinh doanh trước cổng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa biết anh Khiển này thu phí như thế nào, nếu thu sẽ có sổ sách. Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và sẽ có thông tin sớm”, ông Hợp cho biết thêm.

Thu tiền bán nốt ở chợ tự phát tiềm ẩn hiểm hoạ giao thông khôn lường - 6

Để có một mặt bằng kinh doanh trái phép, người dân phải trả một số tiền 

Ông Nguyễn Đức Tấn (Chủ tịch UBND xã Ia Krai, huyện Ia Grai) cho biết: “Tình trạng lấn chiếm vỉa hè trước cổng công ty cà phê 705 đã diễn ra từ lâu. Khi chính quyền ra dẹp thì người dân lại lùi vào nhưng vắng bóng lực lượng thì tình trạng lộn xộn lại xảy ra. Xã đã làm nhiều biện pháp nhưng không xử lý được. Việc công ty cà phê 705 cho thuê mặt trước để người dân kinh doanh là có. Qua xác minh, công ty đã cho thuê hộ ít thì khoảng 800 ngàn đồng/tháng – hộ nhiều thì lên đến 1 triệu đồng/tháng. Xã đã làm báo cáo gửi UBND huyện và tỉnh Gia Lai để có phương án xử lý.