Đắk Nông:

Công trình điện mặt trời như “nấm sau mưa” nhưng ... không biết của ai (?!)

Dương Phong

(Dân trí) - Dù xây dựng trên đất của xã, tuy nhiên chính quyền địa phương lại không biết thuộc sở hữu của ai. Theo UBND xã, tất cả các quy trình, thỏa thuận đấu nối của dự án điện đều “qua mặt” địa phương.

Công trình “khủng” nằm cạnh Khu di tích Quốc gia

Ngày 22/4, UBND xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có báo cáo số 38/BC-UBND về việc kiểm tra công trình xây dựng nhà kính kết hợp với điện năng lượng mặt trời tại thôn Buôn Chóah.

Qua kiểm tra, chủ sở hữu khu đất là ông Bùi V. L. (trú tỉnh Hà Tĩnh), đang thi công công trình dược liệu kết hợp lắp tấm pin năng lượng mặt trời. Theo báo cáo, công trình này nằm cách Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia N’Trang Gưr chỉ khoảng 3m.

Công trình điện mặt trời như “nấm sau mưa” nhưng ... không biết của ai (?!) - 1

Công trình điện mặt trời tại xã Buôn Choah dù đã được yêu cầu dừng thi công nhưng hiện nay đã được đóng điện (ảnh Bạn đọc cung cấp)

Ngày 23/4, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Nô tổ chức đoàn kiểm tra, lập biên bản tại công trình này. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư và chủ sở hữu đất đều không có mặt, công trình đã thi công xong nhiều hạng mục và chỉ cách Khu di tích Quốc gia 1m.

Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Nô cho biết, ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và báo cáo về việc trồng cây dược liệu kết hợp với lắp tấm pin năng lượng thì không có bất cứ một giấy tờ nào liên quan đến công trình. Chính vì thế, đơn vị này đề nghị UBND xã Buôn Chóah tìm hiểu rõ chủ đầu tư là ai? đồng thời tạm đình chỉ thi công cho đến khi hoàn tất thủ tục theo đúng quy định.

Công trình điện mặt trời như “nấm sau mưa” nhưng ... không biết của ai (?!) - 2

Công trình này nằm cạnh Khu di tích Quốc gia N'Trang Gưr

Đến ngày 26/5, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Nô có công văn 199/CV-TNMT khẳng định, Khu di tích lịch sử quốc gia N’Trang Gưr đã được công nhận; tỉnh Đắk Nông cũng đã có quy hoạch sử dụng đất. Vị trí công trình đang xây dựng có một phần nằm trong quy hoạch mở rộng khu di tích nên đề nghị UBND xã Buôn Chóah yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công.

“Khi chúng tôi đến kiểm tra họ đã xây dựng xong. Chúng tôi cũng chỉ biết, công trình này thuộc sở hữu của ông Linh và ông này xin giữ lại diện tích công trình xây dựng trên đất quy hoạch và cam kết tự nguyện tháo dỡ, không đền bù khi địa phương lấy lại”, lãnh đạo phòng TN-MT huyện Krông Nô nói.

Công trình điện mặt trời như “nấm sau mưa” nhưng ... không biết của ai (?!) - 3
Thời điểm huyện Krông Nô đến kiểm tra, công trình đã hoàn thành

Theo UBND xã Buôn Chóah, hiện tại địa phương vẫn chưa nhận được thêm bất cứ một giấy tờ nào từ chủ đầu tư.

“Từ trước đến nay chúng tôi chủ yếu chỉ gặp được người đại diện chứ không gặp được chủ đầu tư. Xã cũng chỉ được báo cáo có 1 công trình điện mặt trời duy nhất trên diện tích 1,85ha do ông L. làm chủ chứ không biết có đến 4 công trình. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện công trình này có dấu hiệu vi phạm nên xã đã chủ động báo cáo với UBN huyện Krông Nô để xử lý”, lãnh đạo xã Buôn Chóah thông tin.

Tuy nhiên, dù chưa báo cáo thi công nhưng ngày 13/3/2020, Điện lực Đắk Nông đã có văn bản thỏa thuận đấu nối cho cả 4 dự án. Ngoài ra, trong thời gian cơ quan chức năng huyện Krông Nô đề nghị dừng thi công để xử lý phần công trình nằm trên đất quy hoạch thì Điện lực Đắk Nông cho đóng điện tại công trình này.

Trụ điện lạ “mọc” trên đất của dân

Tại một địa phương khác, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Từ cuối năm 2019 trở lại đây, xã Ea Pô (huyện Cư Jút) trở thành một trong những “xưởng” sản xuất điện mặt trời lớn nhất của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, nhiều trụ điện phục vụ các dự án lại “vô tư mọc” trên đất của người dân, trong khi người dân không biết thuộc sở hữu của ai?

Công trình điện mặt trời như “nấm sau mưa” nhưng ... không biết của ai (?!) - 4
Trụ điện "lạ" mọc trên đất của gia đình anh Anh

Chị Nguyễn Thị Lương (trú thôn Nam Tiến) cho biết, đầu tháng 5/2020, trong lúc trời mưa thì bất ngờ xảy ra sự cố sét đánh vào trụ điện 397/90/1 đang dựng trên đất của gia đình chị, gây mất điện. Chị Lương đã thông báo cho Điện lực Cư Jút để xử lý, cắt điện đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng.

Ngay sau đó, Điện lực Đắk Nông có văn bản phản hồi số 3097/ ĐnoPC-KT+KD+TTBC&PC khẳng định, các trụ điện đặt trên đất của gia đình bà Lương là tài sản của Công ty cổ phần Solar Tây Nguyên. Cũng chính đơn vị này đầu tư xây dựng, vận hành, quản lý và không liên quan đến Điện lực Đắk Nông. Công ty Điện lực Đắk Nông cũng cho biết, Solar Tây Nguyên đã làm việc với chủ sở hữu đất để đặt trụ điện.

“Nhận được văn bản này, tôi khẳng định lại các trụ điện của Công ty Solar Tây Nguyên đặt trái phép trên đất của gia đình tôi. Kể cả chủ cũ của lô đất cũng khẳng định chưa gặp, chưa cho phép họ dựng trụ điện trên đất”, anh Lê Ngọc Anh, chồng chị Lương khẳng định.

Công trình điện mặt trời như “nấm sau mưa” nhưng ... không biết của ai (?!) - 5

Trong khi đó, dù xây dựng trên đất của địa phương nhưng UBND thị trấn Ea Tling không biết công trình này của ai

Tại cụm công trình điện mặt trời mái nhà thuộc thị trấn Ea Tling (huyện Cư Jút). Theo lãnh đạo UBND thị trấn, dù nằm ngay trung tâm huyện và địa phương đã nhiều lần mời chủ của lô đất đó lên làm việc nhưng đến nay UBND thị trấn cũng chưa biết chủ công trình là ai ?

“Họ xây dựng cũng chẳng trình văn bản, giấy tờ nào để địa phương biết ngoài hồ sơ làm nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi mời rất nhiều mà họ không lên. Họ không báo cáo với chúng tôi vì được sản xuất điện hay không là do ngành điện. Họ không tôn trọng chúng tôi!”- lãnh đạo UBND thị trấn Ea Tling bức xúc.

Công trình điện mặt trời như “nấm sau mưa” nhưng ... không biết của ai (?!) - 6

Các trụ điện mọc trên đất của người dân mà chưa được xin phép

Ông Nguyễn Anh Đông, Trưởng phòng TN-MT huyện Cư Jút thông tin, trước việc hàng loạt các công trình xây dựng ồ ạt trên địa bàn, phòng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn đi kiểm tra việc chuyển đổi đất của các dự án này.

“Việc hàng loạt trụ điện được hạ trên đất của người dân và men theo các con đường hoàn toàn chúng tôi không được báo cáo. Ngay cả các công trình khi xây dựng, chủ đầu tư cũng không thông báo theo quy định. Khi được thỏa thuận đấu nối, chúng tôi cũng không được mời để đánh giá, kiểm tra vấn đề đất đai, môi trường”, ông này nói.

Phản pháo lại quan điểm này, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Nông khẳng định: “Điện lực Đắk Nông không quan tâm đến việc chuyển đổi đất tại các công trình, bởi đây thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương”.

Để phát triển điện mặt trời mái nhà, nhà nước đã có cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho những gia đình, doanh nghiệp sử dụng áp mái công trình xây dựng để sử dụng mục đích sản xuất kinh tế, một phần dư mới bán lại. Tuy nhiên hàng chục công trình có dấu hiệu "biến tướng" được xây dựng tại Đắk Nông trong thời gian từ 30/6/2019- 6/4/2020.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.